Cần nói thêm rằng Tây Giang là địa bàn “sạch” tai nạn giao thông trong suốt nhiều năm qua. Người ta cho rằng vì đây là địa bàn miền núi cao, ít phương tiện giao thông (khoảng 250 ôtô và xe máy) nên ít xảy ra tai nạn. Cũng đúng nhưng chưa đủ. Vì ở Quảng Nam còn có đến năm huyện miền núi khác nữa, mà ở đó số phương tiện giao thông cũng không nhiều hơn bao nhiêu so với Tây Giang, nhưng tai nạn giao thông nghiêm trọng chết người vẫn xảy ra.
Bằng cách nào để Tây Giang có được con số 0 về tai nạn giao thông ấy? Câu trả lời là có nhiều nguyên nhân nhưng căn bản vẫn là từ cách quản lý của chính quyền. Tại huyện này, người ta không tuyên truyền về an toàn giao thông như nhiều nơi khác (chỉ co cụm tại huyện lỵ), mà về từng bản làng, đến từng nhà dân. Nhà nào mới mua xe máy, trưởng bản sẽ lưu ý; sau đó các đoàn thể cùng đến ngay nhà đó vận động các thành viên (có khả năng sử dụng xe máy) đi học lái xe, mua và sử dụng mũ bảo hiểm.
Trong chỉ thị của UBND huyện Tây Giang về an toàn giao thông có lưu ý là phải xử phạt nghiêm khắc đối với trường hợp cán bộ công chức vi phạm luật lệ giao thông. “Chúng tôi phải lấy bộ phận này làm gương cho đồng bào” - ông Briu Liếc, chủ tịch UBND huyện Tây Giang, nói. Ông Liếc cũng khẳng định huyện ông không có trường hợp quen biết, nhờ vả “nới tay” trong việc xử phạt vi phạm luật lệ giao thông. Trong 150 trường hợp xử phạt vi phạm hành chính về an toàn giao thông năm 2006 ở huyện, phần lớn là cán bộ.
Tác giả bài viết: Theo Khải Minh - Báo Tuổi trẻ Online
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn