Những năm trở lại đây, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam đã chỉ đạo hệ thống phục vụ sản xuất nông nghiệp triển khai các mô hình khuyến nông gắn với doanh nghiệp, liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân trên nhiều lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, dược liệu…). Tập trung cao cho sự chỉ đạo liên kết sản xuất, thu hoạch, chế biến đến khâu tiêu thụ (gắn với việc liên kết 4 nhà). Có hơn 6.000 ha/năm diện tích được xây dựng cánh đồng lớn (giống lúa, ngô, đậu xanh, lạc, ớt, dưa hấu…).
Duy trì hằng năm, liên kết sản xuất lúa giống 3.000 - 4.000 ha/năm (trong đó có 300 - 350 ha lúa lai); liên kết sản xuất hạt giống đậu xanh khoảng 300 ha/năm, giống ngô khoảng 30 ha/năm… Diện tích liên kết sản xuất giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân địa phương. Ngoài ra, các mô hình liên kết sản xuất cây lạc, dưa leo, bí đỏ, ngô, ớt… cho thu nhập cao hơn sản xuất bình thường.
Đối với sản xuất lúa, chủ yếu là sản xuất hạt giống lúa (lúa thuần và lúa lai), hoạt động của các Công ty, doanh nghiệp tác động thông qua các khâu hỗ trợ các gói kỹ thuật, xây dựng các cánh đồng mẫu, cánh đồng lớn, liên kết với các Hợp tác xã, nhóm hộ nông dân sản xuất hạt giống, bao tiêu 100% sản phẩm. Từ vài mô hình trình diễn, đến nay toàn tỉnh có hơn 140 cánh đồng lớn với hơn 5.000 ha, hiệu quả kinh tế tăng từ 20 - 30% so với sản xuất đại trà (đến nay hầu hết các xã về đích nông thôn mới đều có cánh đồng lớn hoặc cánh đồng kỹ thuật trong sản xuất lúa). Quảng Nam đã trở thành trung tâm sản xuất lúa hàng hóa với sự tham gia của hầu hết các doanh nghiệp lớn trong cả nước, với gần 3.500 ha canh tác/năm.
Trong chăn nuôi, hình thức liên kết liên doanh trong sản xuất giữa các hộ chăn nuôi với nhau và giữa hộ chăn nuôi với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được hình thành và phát triển, bước đầu mang lại hiệu quả.
Quảng Nam đã xây dựng thành công các nhãn hiệu hàng hóa cho nhiều sản phẩm nông nghiệp; xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông sản: Chỉ dẫn địa lý Quế Trà My, chỉ dẫn địa lý Sâm Ngọc Linh, các thương hiệu: Dó trầm Quảng Nam, tiêu Tiên Phước, sản phẩm đẳng sâm Tây Giang, ba kích Tây Giang, rau an toàn Bàu Tròn, rau Mỹ Hưng, rau Trà Quế, bưởi trụ Đại Bình, nước mắm Cửa Khe, dưa hấu Kỳ Lý...
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, ngành nông nghiệp & PTNT xây dựng 05 chuỗi sản phẩm an toàn cho tỉnh là: lợn, gà, tôm, rau, nước mắm; các địa phương xây dựng các chuỗi an toàn cho địa phương. Hiện nay, đã xây dựng chuỗi sản xuất rau an toàn, rau VietGAP và đang triển khai các chuỗi sản phẩm an toàn: thịt lợn, thịt gà, trứng gà, tôm và nước mắm. Cụ thể như sau:
- Xây dựng và triển khai thực hiện chuỗi cung ứng thịt lợn an toàn:
Sở Nông nghiệp & PTNT đã xây dựng và ban hành phương án triển khai thực hiện chuỗi thịt lợn trong năm 2016. Kết quả, đã triển khai chuỗi thịt lợn tại huyện Thăng Bình với 17 hộ chăn nuôi và 01 cơ sở giết mổ, kinh doanh, quy mô 30 con/lứa, 01 tháng xuất bán khoảng 10 tấn thịt lợn hơi an toàn ra thị trường. Năm 2017, tiếp tục nhân rộng mô hình cung ứng chuỗi thịt lợn an toàn tại thành phố Tam Kỳ, có 07 hộ chăn nuôi và 01 cơ sở giết mổ, kinh doanh tham gia chuỗi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 01 điểm bán thịt lợn an toàn theo chuỗi tại chợ Hà Lam, huyện Thăng Bình và dự kiến năm 2017 sẽ có thêm 02 điểm bán thịt lợn an toàn tại thành phố Tam Kỳ.
- Chuỗi cung ứng thịt gà an toàn:
Cơ sở chăn nuôi gà: Tổ hợp tác chăn nuôi gà ta Mười Tín, tại xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ có quy mô 35.000 con/lứa với 06 hộ chăn nuôi tham gia, sản lượng khoảng 210.000 kg thịt gà/năm. Năm 2017, tiếp tục đầu tư triển khai để Tổ hợp tác phát triển sản xuất theo chuỗi cung ứng thịt gà an toàn từ chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ sản phẩm với quy mô khép kín./
Tác giả bài viết: T. Hiền
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn