Các huyện miền núi liên kết phát triển du lịch

Thứ hai - 18/06/2018 23:27
Vừa qua, tại huyện miền núi A Lưới đã tổ chức hội nghị giao ban Công tác liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang (Quảng Nam). Sự liên kết nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững, tạo sự kết nối liên vùng, góp phần mở rộng và đa dạng các sản phẩm du lịch trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Nhiều nông sản, đặc sản của các huyện miền núi thu hút sự quan tâm của du khách

Huyện A Lưới cùng với các huyện Đông Giang - Tây Giang - Nam Giang là những địa phương có tiềm năng lớn về du lịch, bao gồm du lịch cộng đồng, du lịch lịch sử và du lịch sinh thái. Trong thời gian qua giữa các huyện bước đầu đã có sự phối hợp trong công tác phát triển du lịch, tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển các dịch vụ du lịch đảm bảo chất lượng và bền vững, từng bước xây dựng được hình ảnh các điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn, thân thiện và tin cậy. Trong năm 2017, lượt khách đến tham quan tại 4 huyện ước đạt khoảng 32.735 lượt, tổng doanh thu từ du lịch đạt 7,4 tỷ đồng. Qua đó, việc đẩy mạnh phát triển du lịch đã góp phần làm thay đổi diện mạo của quê hương, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần vào xoá đói giảm nghèo. Đồng thời qua đó thúc đẩy giao lưu văn hoá, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư và phát triển kinh tế.

Các huyện đã chủ động xây dựng nghị quyết, các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn, đưa vào quy hoạch các điểm du lịch trên địa bàn để việc phát triển du lịch được thực hiện một cách khoa học cũng như thu hút thêm nguồn vốn của các nhà đầu tư. Cụ thể huyện Nam Giang ban hành Nghị quyết về Phát triển du lịch tầm nhìn đến năm 2025, huyện Đông Giang ban hành Kế hoạch phát triển du lịch huyện đến năm 2020, huyện Tây Giang xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ quản lý, bảo vệ và phát triển quần thể cây Di sản Pơmu tại Làng du lịch Pơmu; Xây dựng Kế hoạch đầu tư phát triển du lịch huyện Tây Giang giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030… Huyện A Lưới đã quy hoạch các điểm du lịch và kêu gọi đầu tư khu du lịch sinh thái A Nôr (xã Hồng Kim) với diện tích 7,5 héc-ta, khu du lịch sinh thái suối Pârle với diện tích 5 héc-ta, khu du lịch suối nước nóng A Roàng với diện tích 10 héc-ta; Cấp phép hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch sinh thái – tâm linh – khám phá thiên nhiên và mô hình du lịch cộng đồng xã Hồng Hạ giai đoạn 2016 – 2020... Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch luôn gắn với những công trình cụ thể, như huyện Đông Giang đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại Làng du lịch cộng đồng Đhơrôồng, xã Tà Lu, khảo sát lập dự án đầu tư điểm du lịch sinh thái Suối nước nóng tại thôn Bhơhôồng 2, xã Sông Kôn; huyện A Lưới đã xây dựng phương án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng cho các homestay Hồng Hạ, Hương Danh, các homestay tại làng Việt Tiến và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất tại làng văn hóa du lịch cộng đồng Thôn A Ka1, xã A Roàng. Đặc biệt các địa phương đã kết nối các điểm du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, du lịch cộng đồng tạo các chương trình tour mới với các điểm đến đa dạng, phong phú hơn. Xây dựng chương trình tour giới thiệu các điểm du lịch homestay tại A Lưới, tour Làng du lịch sinh thái Pơmu, xã Axan, tour du lịch cộng đồng tại huyện Đông Giang. Giới thiệu các làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nông sản đặc trưng của mỗi địa phương tại các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu...

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện A Lưới nhấn mạnh: Việc liên kết, hợp tác này trước hết nhằm phát huy được các lợi thế so sánh của mỗi địa phương về tiềm năng và các nguồn lực phát triển du lịch, đồng thời bổ sung khắc phục cho nhau những hạn chế trong phát triển… Thông qua việc liên kết, hợp tác sẽ làm phong phú và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, có chất lượng cao cho toàn vùng… từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh và những lợi thế trong phát triển du lịch.

Thời gian tới các địa phương tiếp tục thực hiện các nội dung trong liên kết hợp tác phát triển du lịch trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang và huyện A Lưới. Đồng thời, sẽ tạo mối quan hệ hợp tác phát triển du lịch với các huyện Hướng Hóa, huyện Đakrông (Quảng Trị) và huyện Bố Trạch (Quảng Bình).

Tác giả bài viết: Nguyễn Tuấn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
owl.carousel.jsowl.carousel.js