Theo đó, tại Tây Giang, từ dự án “Phát triển kinh tế bền vững gắn kết với phục hồi rừng” do Tổ chức MI tài trợ, người dân bản địa đã gầy dựng và từng bước đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mang đặc trưng địa phương. Một số sản phẩm mây tre đan, dệt thổ cẩm, sản xuất rượu ba kích, trồng mây dưới tán rừng... bước đầu tạo ra giá trị kinh tế khá lớn cho người dân. Hiện nay, rượu ba kích Tây Giang đã được đăng ký nhãn hiệu độc quyền và đăng ký thương hiệu. Sản phẩm được trưng bày và giới thiệu tại một số hội chợ và bán khá chạy trên thị trường. Sản phẩm mây tre đan ở Tây Giang còn tham gia tại hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ và hàng quà tặng Việt Nam năm 2014 tại TP.Hồ Chí Minh. Thêm nữa, các sản phẩm dệt thổ cẩm đã sản xuất thử nghiệm 29 mẫu trang sức...Ngoài dự án bảo tồn rừng, thì huyện Tây Giang giúp người dân thoát nghèo bằng cách xây dựng các mô hình trình diễn cùng sự đầu tư con vật nuôi, cây giống và vật tư. Tại thôn Tà Vàng, xã Atiêng có 9 nhóm hộ nuôi gà tăng trọng từ 0,2kg lên hơn 1,5kg/con, thu nhập trên 3,5 triệu đồng sau 3 tháng nuôi. Còn tại thôn T’ghêy xã A Vương thì có nhóm nuôi cá. Trước đây, người dân không biết mua giống cá và thức ăn ở đâu. Khi tham gia dự án họ đã biết nơi mua giống, thức ăn nuôi cá, biết chọn giống cá tốt nên sau khi thu hoạch, họ đã mua 600 con cá giống và 60kg thức ăn công nghiệp để nuôi tiếp. Nhờ có các dự án, Người chăn nuôi tiếp cận được với thị trường đầu vào, biết cách bán sản phẩm đã nuôi với giá hợp lý qua cân nặng thay cho đổi chác theo thói quen truyền thống. Tiếp cận các dự án mục tiêu cuối cùng là giúp người giữ rừng và trồng rừng ở miền núi ổn định sinh kế, giảm nghèo bền vững.